Charge 3 được Fitbit giới thiệu chính thức tại thị trường Việt Nam vào những ngày cuối năm 2018. Sau hai tuần trên tay và sử dụng, hôm nay mình xin phép được chia sẻ những đánh giá chi tiết của mình về con Fitbit Charge 3 này. Phiên bản mình có là phiên bản đặc biệt với sợi dây đeo màu trắng thể thao được đục lỗ.
[product_tag tags=”Fitbit, Fitbit Charge 3, Garmin, Vivosmart 4″ per_page=”4″ columns=”4″ orderby=”rand”]
Mình sẽ đưa phần tổng kết lên trước, dành cho bạn nào lười đọc chi tiết:
Ưu điểm:
- Thiết kế rất đẹp và cao cấp.
- Màn hình đẹp và sáng rõ trong mọi điều kiện.
- Thao tác cảm ứng nhạy, chính xác (kể cả khi màn hình dính nước hay đi bơi)
- Dây đeo với cơ chế ôm tay cho cảm giác đeo cực kỳ thoải mái. Dây Charge 3 cũng có cơ chế tháo ráp dây nhanh nhất hiện nay.
- Theo dõi giấc ngủ chuyên sâu.
- Pin tốt (6 ngày sử dụng hỗn hợp).
Nhược điểm:
- Vì không có chip GPS độc lập nên chỉ phù hợp với những bạn chơi thể thao trong nhà hoặc có mang theo điện thoại bên mình.
- Không có font tiếng Việt.
- Không hiển thị trình chỉnh nhạc khi phát nhạc trên điện thoại.
ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT
Phải nói Charge 3 là bản nâng cấp hoàn hảo của Charge 2 về mọi mặt. Mình dành những lời khen tốt nhất cho Fitbit Charge 3. Đẹp có lẽ vẫn chưa đủ để diễn tả hết những đường nét sắc sảo và thanh tú của Charge 3. Charge 3 được làm ra không cho một giới tính cụ thể nào, nam hay nữ đều có thể đeo được. Nam đeo vào thì nhìn thư sinh, nữ đeo vào thì nhìn hơi mạnh mẽ một chút.
Về dây đeo: Phiên bản mình có trên tay là phiên bản đặc biệt. Trong hộp có 2 loại dây đeo:
- Dây đeo thể thao màu trắng được hoàn thiện đục lỗ toàn thân giúp thoáng mát khi đeo trong thời gian dài cũng như lúc chơi thể thao. Sợi dây màu trắng này rất đẹp, tương phản làm nổi bật phần thân vỏ màu đen của Charge 3. Quá trình sử dụng hơn 2 tuần mình thấy tuy là màu trắng nhưng dây rất khó bám bẩn và khi bẩn thì rất dễ vệ sinh, chỉ cần dùng vải mềm thấm nước lau nhẹ là lại sạch như mới.
- Sợi dây còn lại có màu đen, trên thân được hoàn thiện hoạ tiết kiểu kim cương chứ không phải trơn nhẵn. Cá nhân mình thấy sợi dây đen này cũng rất đẹp.
- Fitbit rất hào phóng khi mỗi kiểu dây đều có 3 sợi. Trong đó: 1 sợi chính đính khuyên đeo, 2 sợi còn lại thay thế cho nhau dành cho kích cỡ tay nhỏ và lớn.
- Dây đeo của Charge 3 vẫn có cơ chế tháo ráp nhanh nhưng đã được cải tiến xịn hơn và đẹp so với Charge 2 rất nhiều. Ngàm tháo ráp giờ đây đã liền lạc hơn, ít phức tạp hơn. Cơ chế tháo ráp giờ đây đã cực kỳ nhẹ nhàng và nhanh chóng, phải nói Charge 3 có cơ chế tháo ráp dây nhanh và đơn giản nhất hiện nay trong thế giới thiết bị đeo được.
- Cơ chế kết nối của dây đeo giúp Charge 3 tạo thành một vòng cung nhẹ ôm lấy cổ tay người dùng, cho cảm giác đeo cực kỳ thoải mái và dễ chịu. Kết hợp với trọng lượng nhẹ giúp người dùng có thể đeo trong thời gian dài (kể cả trong lúc ngủ) mà không cảm thấy khó chịu hay vướng víu.
[product_tag tags=”Fitbit, Fitbit Charge 3, Garmin, Vivosmart 4″ per_page=”4″ columns=”4″ orderby=”rand”]
Về thân vỏ:
- Charge 3 được hoàn thiện bởi những vật liệu cao cấp: thân vỏ nhôm và mặt kính Gorilla Glass 3. Những vật liệu này được Fitbit hoàn thiện ở một mức rất cao và đẹp trên Charge 3.
- Mặt kính của Charge 3 gần như tràn viền. Toàn bộ mặt kính được nhúng trong một khung nhôm nguyên khối viền mỏng, tạo nên một nét đẹp sang trọng nhưng vẫn cứng cáp.
- Cảm biến nhịp tim được đặt ở mặt dưới của Charge 3, nhô hẳn lên nên khi đeo sẽ chìm vào tay người dùng, cho kết quả đo nhịp tim chính xác hơn.
- Nút cứng duy nhất trên dòng Charge trước đây đã được Fitbit chuyển thành nút cảm ứng trên thế hệ thứ 3. Nút này đóng vai trò là nút “Back” trong đa số tình huống. Đối với khi chơi thể thao thì nút này lại đóng vai trò để “Bắt đầu” và “Kết thúc” hoạt động thể thao. Sự thay đổi này cũng giúp ngoại hình thân vỏ của Charge 3 trở nên liền lạc hơn và đẹp hơn so với các thế hệ trước dùng nút cứng vật lý.
- Charge 3 vẫn dùng sạc 3 chân tiếp xúc chứ không phải sạc từ tính. Cáp sạc vẫn có thiết kế phức tạp và ít phổ biến (lưu ý vì thay đổi kích cỡ thân vỏ nên mặc dù cũng là sạc 3 chân tiếp xúc nhưng Charge 3 không dùng chung được cáp của Charge 2).
Về giao diện người dùng và trải nghiệm phần mềm:
- Cách tương tác với Charge 3 rất thân thiện. Tuy có màn hình nhỏ nhưng Charge 3 vẫn hiển thị thông tin theo chiều ngang chứ không phải chiều dọc, điều này giúp người dùng sử dụng và xem thông tin được thuận tự nhiên hơn so với các smart band hiển thị theo chiều dọc.
- Từ màn hình chính người dùng vuốt xuống để xem thông báo, vuốt lên để xem các thông số thể thao trong này, vuốt từ phải qua trái để truy cập vào các phần mềm khác. Charge 3 sử dụng màn hình OLED đơn sắc có độ sáng cao, hiển thị nội dung rõ ràng trong hầu hết mọi điều kiện ánh sáng. Độ phân giải màn hình trên Charge 3 thì không quá cao, nhưng ở khoảng cách sử dụng bình thường (trên 40 cm) thì cũng khó thấy răng cưa trên ký tự hiển thị.
- Cảm ứng trên màn hình Charge 3 mình đánh giá là khá tốt. Tốc độ phản hồi vẫn có độ trễ nhẹ nhưng trong đa số tình huống đều chính xác và không làm mình khó chịu. Việc trang bị màn hình cảm ứng giúp thao tác trên Charge 3 thân thiện và dễ dàng hơn người tiền nhiệm Charge 2 và cả đối thủ Vivosmart rất nhiều. Charge 3 được trang bị sẵn 13 mặt đồng hồ (không thể tuỳ biến thông tin trên mặt đồng hồ). Fitbit nói trong tương lai sẽ có thêm nhưng chưa biết khi nào.
- Các icon thể thao trên Charge 3 là hình động, rất trực quan và vui vẻ, điều này tuy nhỏ nhưng cũng góp phần tạo động lực cho mình chơi thể thao thêm.
- Ngoài các môn chơi thể thao thì Charge 3 cũng có thêm các phần mềm cơ bản khác như: Hẹn giờ; Thời tiết; Hít thở và Bộ đếm giờ.
- Một điểm trừ cực kỳ lớn trên dòng Charge của Fitbit mà mãi cho tới thế hệ thứ 3 này Fitbit vẫn chưa khắc phục: không có font tiếng Việt. Việc màn hình hiển thị nhỏ cộng với việc bể font thì việc đọc các thông báo tin nhắn trên Charge 3 là điều hầu như không thể. Đã 2 năm kể từ khi Charge 2 được giới thiệu và 1 năm kể từ khi Fitbit chính thức vào Việt Nam, vậy mà Charge 3 vẫn chưa có tiếng Việt thì thật là một điều rất khó hiểu. Hy vọng Fitbit sẽ hỗ trợ font tiếng Việt sớm cho chúng ta.
[product_tag tags=”Fitbit, Fitbit Charge 3, Garmin, Vivosmart 4″ per_page=”4″ columns=”4″ orderby=”rand”]
Về tính năng thể thao:
- Dưới góc độ là một người chơi thể thao thường xuyên và nghiêm túc thì mình đánh giá Charge 3 chỉ ở mức khá trong việc theo dõi và ghi nhận hoạt động thể chất. Cụ thể:
- Đối với chạy bộ và đạp xe ngoài trời: Charge 3 không có chip GPS độc lập, không có bộ nhớ trong. Vì vậy những ai sử dụng Charge 3 để chạy bộ hoặc đạp xe ngoài trời buộc phải đem theo điện thoại bên mình. Điện thoại vừa đóng vai trò lấy tín hiệu GPS cho Charge 3 và phát nhạc cho người dùng.
- Về bơi lội thì Charge 3 tỏ ra nhỉnh hơn đối thủ Garmin Vivosmart 4 vì không bị loạn cảm ứng khi dính nước. Khi bắt đầu hoạt động bơi lội thì Charge 3 cũng tự động khoá màn hình cảm ứng giúp tránh những “chạm” không mong muốn. Tuy nhiên việc đo đạc về bơi lội của Charge 3 vẫn thiếu chính xác giống với hầu hết các smartband khác. Trong 4 bài bơi 1000 mét của mình thì Charge 3 đều đo được nhiều hơn, sai số nhiều nhất những 350 mét (Apple Watch Series 4 được đeo đồng thời ở tay bên kia cho kết quả đo đạc hoàn toàn chính xác là 1000 mét). Đối với những người dùng không quá khắt khe (hoặc muốn ganh đua nhau trên mạng) thì có thể họ sẽ thích sự “đo được nhiều hơn” này, nhưng đối với những người tập luyện nghiêm túc thì điều này là hơi khó chấp nhận.
- Nếu các bạn dùng xe máy là phương tiện di chuyển chính thì bắt buộc các bạn phải tắt chế độ “Tự động phát hiện chơi thể thao” đối với môn “Đạp xe ngoài trời”. Tất cả các lần chạy xe máy ngoài đường của mình đều bị Charge 3 ghi nhận là “Đạp xe ngoài trời”, dẫn tới lượng Calories ghi nhận tiêu tốn trong ngày của mình rất khủng. Ví dụ như ngày thứ 5 tuần rồi mình chạy xe máy được Charge 3 ghi nhận “đốt” hết gần 600 calories.
- Fitbit có một cộng đồng sử dụng và thi đấu đông đảo trên toàn thế giới. Nếu có một nhóm cùng sử dụng thì việc ganh đua tập luyện sẽ rất vui vẻ. Việc có thể liên kết tài khoản Fitbit với tài khoản Strava để “push” dữ liệu tập luyện lên Strava cũng là một điểm cộng.
Về tính năng theo dõi giấc ngủ chuyên sâu:
Có lẽ đây là tính năng mình đánh giá cao nhất trên Charge 3. Nhờ thiết kế nhỏ nhẹ và cảm giác đeo thoải mái mà mình đã đeo Charge 3 liên tục 24/7. Cộng với việc được trang bị cảm biến đo SpO2 mà giấc ngủ của mình được ghi lại là phân tích cực kỳ chi tiết. Ngày nào mình dậy mà thấy uể oải, khi coi lại Sleep Log đều thấy giấc ngủ của mình bị chập chờn và gián đoạn rất nhiều lần, thời lượng ngủ sâu rất ít, hay nói cách khác là giấc ngủ thiếu chất lượng.
Về thời lượng pin:
Thời lượng pin của Charge 3 gần chính xác với Fitbit công bố. Mình sử dụng đến hết ngày thứ 6 thì pin vẫn còn hơn 10% (Fitbit công bố pin của Charge 3 là 7 ngày). Trong đó mình nhận thông báo ở mức độ bình thường và có chơi thể thao 4 lần, mỗi lần khoảng 30 phút. Mình đánh giá pin của Charge 3 là tốt.
Các tính năng khác được Fitbit hứa hẹn sẽ bổ sung trong tương lai đó là: Từ chối-Chấp nhận cuộc gọi; Trả lời tin nhắn nhanh theo mẫu có sẵn (dành cho Android OS); Theo dõi chu kỳ của chị em và cuối cùng là tính năng Fitbit Pay (Apple Pay và Google Pay còn chưa vào tới Việt Nam thì thôi anh em khỏi trông chờ tính năng này làm gì cho mất công).
Về giá bán:
Fitbit Charge 3 được bán với giá khởi điểm là 4.090.000 đồng cho phiên bản thường và 4.490.000 đồng cho phiên bản đặc biệt.
Với giá bán này thì đối thủ mà Charge 3 cạnh tranh trực tiếp là Garmin Vivosmart 4. Mình đánh giá Charge 3 cao hơn Vívosmart 4 về tổng thể. Nhưng mình vẫn muốn Fitbit chăm chút Charge 3 nhiều hơn nữa.
Thực sự là mình rất rất thích kiểu dáng và thiết kế của Charge 3, có thể nói nó là smartband đẹp nhất hiện nay trên thị trường. Mình hy vọng Fitbit sẽ bổ sung cho nó font tiếng Việt và chip GPS độc lập ở một phiên bản thể thao hay trong thế hệ kế tiếp gì đó. Khi đó Fitbit Charge sẽ trở thành một smart band thực sự hoàn hảo.
Cám ơn Broshop đã cho mình mượn sản phẩm để viết bài.
Nguồn: Tinh Tế
[product_tag tags=”tai nghe không dây, headphone, Anker” per_page=”4″ columns=”4″ orderby=”rand”]